Set nhạc mới nhất của BUBI, “Higher-self”, là minh chứng cho quan điểm của cô “Nghệ thuật nên được cảm thấy từ những âm thanh nhẹ nhàng, chậm rãi nhất.”
Không chỉ dừng lại ở những giai điệu mạnh mẽ, “Higher-self” của BUBI đưa khán giả tới những khoảng lặng, chậm rãi và tinh tế.
“Sinh năm 2001, BUBI lớn lên trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc. Cô có cho mình nhiều trải nghiệm ở độ tuổi trẻ như biểu diễn tại D.W.P - Djakarta Warehouse Project Festival 2020, Devialet Opening Event 2023, Closing for Vini Vici hay đứng trên sân khấu của những venue có tiếng như 1900, Khu 13, Atmos,...”
BUBI có thể chia sẻ đôi chút về set nhạc “Higher-self” mới đây tại 1900? Tại sao lựa chọn Afro House là màu sắc chủ đạo trong set này? Liệu có một thông điệp hay một câu chuyện phía sau set nhạc mà bạn muốn truyền tải đến khán giả?
Thường khi nhắc đến việc đi club, số đông khán giả sẽ nghĩ đến những âm thanh “căng cực”, để bung hết năng lượng. Mình nghĩ điều này là hoàn toàn hợp lý. Nhưng, khác với khái niệm đó thì Afro House đối với mình như một bản giao hưởng vậy. Mình mong muốn có thể góp phần mở rộng “menu” âm nhạc dành cho người nghe, mang tới nhiều sắc thái của nhạc điện tử hơn.
Dòng nhạc này cũng là một trong những dòng nhạc đang rất thịnh hành trên thế giới trong năm 2023, yếu tố thức thời luôn là điều mình ưu tiên trong mỗi sản phẩm âm nhạc của mình.
Cuối cùng, Afro house là dòng nhạc mà mình cảm thấy có thể bao trùm được hết các khía cạnh trong mặt cảm xúc. Vui, buồn, năng lượng, tăm tối,... Set nhạc này mình “story-telling” khá nhiều, về cách sắp xếp thứ tự các bài hát, lựa chọn vocal để lồng ghép vào từng bài nhạc trực tiếp trên bàn DJ, … Mà, điều đầu tiên là phải làm cho set nhạc nghe hay đã, sau đó khán giả có muốn tìm hiểu sâu thêm cũng sẽ có các tầng lớp ý nghĩa đằng sau set nhạc.
Yếu tố story-telling đã được BUBI thể hiện như thế nào trong set nhạc này?
Sau phần mở đầu mang đậm chất “Việt”, mọi người sẽ mong chờ một set nhạc với những giai điệu quen thuộc của mình. Nhưng sau đó, mình đã lựa chọn đoạn acapella nổi tiếng: ”I ain't gonna play no more of my sh*t, nah I heard that sh*t a million times “. Từ đây đánh dấu một sự thay đổi về âm nhạc sắp tới của mình
Sau khi đưa người nghe xuống gam màu tối của set nhạc với afro-tech, mình tạo một bước ngoặt có thể làm cho mọi người phải “nhăn mặt” khi nghe tới đoạn drop bất ngờ này ở nửa cuối set. Đoạn nhạc có phần underground, “tăm tối” nhưng lại được kết hợp với bài hát có phần thị trường hơn, với vocal Just Wanna Rock của Lil Uzi Vert: “This ain't what you want”
Đây cũng là một nét châm biếm của set: xuyên suốt set nhạc thể hiện rõ tính underground, ít phổ thông, duy chỉ ở một bài thị trường nhất, căng nhất. Đó cũng như một sự châm biếm mà mọi người thường thấy trong các bộ phim, nhưng lại ít có trong các sản phẩm âm nhạc.
Tới những phân đoạn giới thiệu về nhạc House là gì, hay vocal của bài hát “Feeling good”, một bài hát thay đổi cái nhìn của mọi người về nhạc Jazz. Như một cách ẩn dụ rằng mình hy vọng đại chúng có thể có một góc nhìn khác về nhạc điện tử. Cuối cùng, mình kết thúc set nhạc với màu sắc tươi sáng, acapella mang tính biểu tượng của những người có sức ảnh hưởng tại Châu Á như Bruce Lee hay thầy Thích Nhất Hạnh. Đây vừa là lời giải đáp cho những vấn đề mình đặt ra tại phân đoạn tăm tối, và cũng là một cách để vinh danh nơi mình sinh ra. Một người Châu Á, một người Việt Nam.
Bạn có thể kể lại vắn tắt quá trình tạo ra một set nhạc như “Higher-self”, mọi thứ được bắt đầu và lắp ghép với nhau ra sao?
Đó là một hành trình khá đặc biệt. Trước ngày release một vài tháng mình đã có cơ hội được xem Black Coffee biểu diễn live tại Barcelona. Đó là một trải nghiệm thay đổi suy nghĩ của mình về DJ, cả về kĩ thuật lẫn âm nhạc. Mình đã được thấy rất nhiều kĩ thuật DJ mới, âm thanh mới, những câu chuyện mới truyền tải thông qua set nhạc, phong cách biểu diễn mới, … “Higher-self” giống như quá trình mình tự xem xét và update bản thân, để chạm được sâu vào những cảm xúc ở trong mình. Mình muốn kể điều đó qua set nhạc nên đã cố gắng tích lũy và đúc kết đủ chất liệu trong vài tháng. Do đó nên mình mới lựa chọn tên “Higher-self” dành cho set nhạc lần này.
Sau trải nghiệm tuyệt vời ấy, mình muốn tìm cách để làm nổi bật lên nét đẹp của người Châu Á, trên thứ âm nhạc đến từ thế giới. Vì mình nghĩ, DJ nước bạn đã làm rất tốt trong việc kể câu chuyện của họ, và mình cũng muốn được kể câu chuyện của riêng mình.
Đó là về phần nhạc, còn về phần hình ảnh thì không thể thiếu ekip đằng sau: Minh Trương, Mai Phương Nguyễn, Binhbebong. Mình và team đã mất khá nhiều thời gian để sản phẩm được hoàn thành trọn vẹn nhất về mặt hình ảnh và âm thanh để cố gắng lột tả được toàn bộ ngụ ý của set nhạc, đưa cảm xúc của khán giả tới đỉnh điểm. Mình rất biết ơn mọi người và rất vui khi mọi thứ đã diễn ra trọn vẹn.
Làm thế nào mà năm 16 bạn đã bước chân vào ngành âm nhạc? Hành trình với âm nhạc của BUBI bắt đầu như thế nào và bạn có thể chia sẻ đôi chút về bản thân mình?
Từ nhỏ mình đã rất thích âm nhạc. Mình nhớ là các món quà từ bố mẹ thì mình hay xin mua loa nhất, xong đi đâu cũng đem theo cái loa đó, vào phòng tắm, ra ngoài, đi ngủ,.. mà hồi đó như nhiều các bạn chỉ thích nghe nhạc Hàn Quốc thôi haha. Xong cũng bị bố mẹ mắng khá nhiều vì toàn làm hỏng loa...
Khi EDM bắt đầu phổ biến ở Việt Nam, mình bắt đầu yêu thích nhạc điện tử. Từ Martin Garrix, David Guetta. Tới cấp 3, mình muốn thực hiện đam mê âm nhạc nhưng không tự tin về khả năng hát và nhảy haha. Mình lần mò và vô tình phát hiện ra DJ, dù lúc đó chưa hiểu nó là gì. Mình đã mua một chiếc DJ controller, và mọi thứ bắt đầu.
Mày mò được một thời gian thì mình thu các set nhạc đầu tiên, đăng lên SoundCloud để tiện nghe lại. Bất ngờ là hai set đầu tiên thu được hơn 100.000 lượt nghe. Thế rồi mình quyết tâm tham gia các khóa học để hoàn thiện kỹ năng. Hồi đó mình record set nhạc buồn cười lắm, mình xếp list xong thu live trên bàn DJ, cứ sai 1 bài là mình lại thu lại từ đầu.
Mình nghĩ niềm đam mê ấy ảnh hưởng rất nhiều từ gia đình mình, mọi người đều là những người rất yêu nghệ thuật. Mẹ mình chỉ cần nghe thấy nhạc là có thể nhảy rất vui rồi.
Lý do nào khiến bạn chọn DJ? Điều bạn thích nhất và ghét nhất khi trở thành DJ là gì?
Vốn là một người khá nhút nhát và lại thích âm nhạc và nghệ thuật, nên mình chọn DJ vì nghĩ làm DJ không phải trình diễn nhiều.
Nhưng khi bắt đầu dấn thân sâu hơn mình nhận ra phong thái biểu diễn khá là quan trọng. Sau khi xem nhiều hơn, đặc biệt là các nghệ sĩ nước ngoài thì mình thấy việc biểu diễn không phức tạp đến vậy, chỉ cần show ra những cảm xúc thật của mình là tuyệt nhất rồi. Chắc ngày xưa mình hay xem nghệ sĩ Kpop biểu diễn, họ chỉn chu lắm, nên bị tự ti haha.
Điều mình thích nhất khi làm DJ đó là mình có thể chìm trong âm nhạc rất lâu. Khi mình hát thì tới 10 bài là mệt rồi chẳng hạn, nhưng về DJ, có những lễ hội kéo dài cả tuần, mà mình nghĩ, nếu không ai bảo mình dừng thì mình cứ chơi nhạc tiếp thế thôi haha.
Còn điều mình không thích lắm về DJ là trong một số trường hợp có thể bị giới hạn về việc bộc lộ bản thân. Ví dụ như đi chơi nhạc trong các venue thì cần cân nhắc thêm rất nhiều về phong cách và yêu cầu âm nhạc của địa điểm đó thay vì hoàn toàn là sở thích của bản thân. Mình đang rất cố gắng cân bằng hai điều này, và khi không làm tốt việc đó thì mình sẽ mất lòng khán giả, và đặc biệt là cả bản thân mình.
Âm nhạc và không khí ở những buổi diễn của bạn có thể được diễn tả ra sao?
Mình có thể khái quát trong vài tính từ là "gần gũi" và "đẹp" kaka.
"Gần gũi" bởi vì dù show diễn của mình có không khí như nào, mình cũng sẽ tìm được những khán giả đang enjoy nhạc của mình và dành toàn bộ năng lượng, nhảy và hát thật vui với họ.
Còn với những nghệ sĩ diễn cùng đêm đó thì mình luôn cố gắng support mọi người để có sự kết nối giữa những người chơi nhạc cùng nhau, và vô hình chung khán giả cũng có thể cảm nhận không khí gần gũi đó. Cuối cùng thành quả là những show diễn đáng nhớ.
"Đẹp" là vì các set nhạc được mình đầu tư khá kĩ lương, về âm thanh, hình ảnh, … và cả những ẩn dụ mình muốn cho vào trong những bài hát nữa. Mọi thứ mình đều muốn làm cho nó đẹp nhất.
Đâu là trải nghiệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp DJ của BUBI?
Kỉ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là sau khi mình trở về Việt Nam sau khi ở Châu Âu một thời gian. Khoảnh khắc mình tìm thấy sự “tự tin” khi biểu diễn trên dòng nhạc mình tâm đắc nhất, khi mà mình bày tỏ những thứ thật nhất của mình và mọi người hưởng ứng nó tới hơn cả sức mong đợi. Đáng nhớ nhất có lẽ là đêm diễn gần nhất ở “Khu 13 @ Extension” bởi vì đây là một trong những lần đầu tiên nhạc Afro-house được chơi tại một sân khấu lớn tại Việt Nam.
Hầu hết những kỉ niệm mình nhớ nhất đều là khi ở một mình, mình chơi DJ một mình mấy tiếng liền giữa những ngọn núi ở Thụy Sĩ, hay ở trong phòng ngủ của mình ở Hà Nội từ tối tới tận khi mặt trời mọc. Trong những khoảnh khắc đó mình có thể mang lại nhiều hơn những giá trị nghệ thuật, khi mà bản thân không phải đặt mình vào việc chiều lòng khán giả mà hoàn toàn tập trung vào bản thân. Mình nghĩ nếu không có những kỉ niệm “một mình” đó thì mình sẽ khó tạo nên những khoảnh khắc cho “nhiều mình” hơn haha.
Gần đây nhất là set nhạc “Higher-Self”, một trong những sản phẩm mà mình tự hào nhất. Trong set nhạc đó, mình cũng ở một mình, chơi nhạc một mình giữa hệ thống âm thanh ánh sáng hình ảnh tuyệt vời của 1900. Lúc ghi hình tuyệt lắm luôn, mình có thể làm lại rất nhiều lần. Nhưng nếu để chơi cho khán giả thì mình không tự tin lắm…
Những nghệ sĩ nào đã truyền cảm hứng cho bạn theo đuổi âm nhạc?
Như mình kể trên thì mỗi giai đoạn mình lại có một người “Thổi nên”” ngọn lửa đam mê âm nhạc của mình. Nhưng những người quan trọng nhất cho đến hiện tại có lẽ là Black Coffee. Chú ấy giúp mình hiểu được nghệ thuật không phải sự phô trương, nghệ thuật nên được cảm thấy từ những âm thanh nhẹ nhàng nhất, chậm rãi nhất. Một nghệ sĩ tới từ Nam Phi, luôn đem hình ảnh Châu Phi vào âm nhạc, visual, hay tất cả các sản phẩm có liên quan tới Black Coffee.
Ngoài ra, mình cũng rất thích Polo and Pan, Peggy Gou. Peggy Gou đã giúp mình hiểu được một DJ cũng nên nhận được những sự tôn trọng như một nghệ sĩ.
Dustee Nguyen và Nhat Viet Nguyen là những người đã truyền cảm hứng để niềm đam mê âm nhạc của mình đi xa hơn rất nhiều.
Bước ra khỏi âm nhạc, BUBI ở ngoài sẽ như thế nào?
Mình thường nghe các bạn lần đầu gặp mình ngoài đời sẽ nói với mình rằng BUBI rụt rè. Thế nên mình đoán là khi mình đứng trên sân khấu thì hình ảnh mình trông sẽ tự tin; nhưng thật ra mình thường sẽ khá ít nói, ngại thể hiện cảm xúc của mình và có phần rụt rè hơn so với hình tượng của mình trên sân khấu. Mình nghĩ nói chuyện qua âm nhạc dễ hơn là nói chuyện ngoài đời haha.
Theo bạn thì trách nhiệm của một DJ đối với đám đông phía trước họ là gì?
Mình nghĩ trách nhiệm của một DJ trước mỗi show diễn cần phải có sự chuẩn bị kĩ càng dành cho set nhạc của mình, và dựa trên các yếu tố đặc thù mà mỗi show diễn khác lại đòi hỏi khác nhau. Mình nên hiểu rõ là club book là ai, tệp khách của họ như nào để chuẩn bị một set nhạc kĩ lưỡng phù hợp với đám đông. Mình nghĩ, yếu tố “thị trường” trong set nhạc là thứ sẽ thay đổi nhiều nhất trong mỗi set nhạc của mình. Làm sao để cân bằng được cả phần “thị” lẫn phần “nghệ”, mà khi mỗi nơi mình diễn 2 phần này mình lại đong đếm căn đo khác nhau. Một set nhạc hay thì việc cân bằng được 2 thứ đó nắm vai trò kiên quyết. Trước một show diễn mình thường chuẩn bị nhiều phương án cho set diễn để có thể ứng biến tuỳ theo không khí tại buổi diễn, kiểu final 1 2 3 4 ý haha.
Mình nghĩ để đánh giá một set nhạc hay đó là khi khán giả gạt bỏ được hết yếu tố “thị trường” khi đánh giá một set nhạc. Mà nên chú ý tới cách DJ dẫn dắt set nhạc ra sao, taste của họ thế nào, …. Tóm lại, là đến để nghe nhạc, xem nghệ thuật, không chỉ dừng lại ở khía cạnh giải trí nữa. Mình sẽ enjoy với những buổi đi nghe nhạc như vậy hơn.
Theo mình thì một DJ tốt có thể làm một set nhạc hay từ những bài hát không ai biết cả. Nhưng một DJ thực sự tài năng thì sẽ có thể tạo ra một set nhạc độc đáo và “tasteful” từ những bài hát nổi tiếng mà tất cả mọi người đều biết.
Đó cùng là một trong các mục tiêu của mình ở trong 2023 vừa qua, phần nào giúp cho khán giả dễ tiếp cận hơn với nhạc điện tử, âm nhạc thế giới. Và set nhạc “Higher-self” lần này có thể là một minh chứng rõ ràng nhất, cũng như là sản phẩm mình tự hào nhất.
Điều này còn nằm ở hình ảnh, content và rất nhiều thứ khác mình xây dựng trong năm trước. Còn vui hơn nữa khi đi show mọi người thường cảm ơn mình vì giúp mọi người tiếp cận dòng nhạc này dễ hơn.
Định hướng của BUBI sẽ phát triển ra sao? Đâu là những mục tiêu mà bạn đang hướng đến và khán giả có thể mong chờ gì từ bạn trong thời gian sắp tới?
Như trên, trong thời gian sắp tới mình nghĩ mình sẽ tập trung ra thật nhiều sản phẩm. Về cả hình ảnh, produce nhạc, làm set,...
Tất cả cũng nhắm tới mục tiêu làm nhạc điện tử gần gũi hơn với người Việt. Các yếu tố Việt Nam luôn xuất hiện trong sản phẩm của mình. Toàn bộ các set nhạc được release cũng bắt đầu bằng những tiếng hát xưa của người Việt. Trong bộ ảnh gần nhất của mình cho tạp chí quốc tế “L’Officel”, mình cũng đã cố gắng thể hiện điều này. Và mình nghĩ đây là điều có thể phần nào giúp mình nổi bật trong thị trường nước ngoài, giới thiệu được văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Đây cũng là một mục tiêu mới trong năm 2024 của mình.