Soulvenir là một dự án tập trung vào văn hóa, lịch sử và cá nhân Việt Nam thông qua quần áo, nghệ thuật và thiết kế. Ở giữa thị trường thời trang Việt Nam nhộn nhịp đang miệt mài đuổi theo xu hướng, vẫn còn ở đó Soulvenir và cộng đồng của mình đang gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hoá độc đáo của người Việt.

V2X đã may mắn có cơ hội gặp gỡ Tân Nguyễn và Ý, cặp đôi đứng sau Soulvenir và lắng nghe chia sẻ từ những nhà sáng lập về hành trình của thương hiệu, trải nghiệm “yêu và làm việc cùng nhau" bên cạnh những góc nhìn tiến bộ về việc gìn giữ văn hoá Việt Nam.

Hello Tân Nguyễn và Ý, xin chúc mừng Soulvenir đã giới thiệu bộ sưu tập đầu tiên tại Việt Nam, “Chương 1: Lao Động”. Trong lần trở về quê hương này có ý nghĩa như thế nào đối với hai người cũng như thương hiệu Soulvenir?

Ý: Anh Tân từ lúc làm VSSG hay Soulvenir đến giờ thì lúc nào cũng muốn về Việt Nam và làm đồ “made in Việt Nam”. Tới nỗi mà anh Tân mơ thấy mình đang ở Việt Nam rất là nhiều lần, mình biết anh rất muốn về vì xa nhà cũng đã lâu rồi. Nửa quãng đời bên Mỹ, anh Tân cũng mong được tiếp xúc với cộng đồng ở Việt Nam.

Tinh thần của Soulvenir cũng được thể hiện rất là rõ qua “Chương 1”, và mình nghĩ rằng nó hoàn thiện nhất bởi vì cả hai đều đang ở và thực hiện dự án này tại Việt Nam.

Câu chuyện của Soulvenir được bắt đầu như thế nào?

Tân Nguyễn: Lúc đầu đây là đồ án tốt nghiệp trong một lớp design, lúc đó dự án của mình là về đồ lưu niệm cho những thành phố trên thế giới có New York, Paris, Sài Gòn, Hà Nội, … Như Sài Gòn thì có hình ảnh của Thảo Cầm Viên hay các địa danh nổi tiếng. Ở Việt Nam lúc đó, sân chơi thời trang rất ít khi có chữ tiếng Việt trên quần áo nên khi mình vô tình làm được vậy, thấy rất hay và nhận ra có thể khai thác thêm nữa. Sau đồ án đó, mình quyết định tập trung vào Soulvenir và nó hoàn toàn xoay quanh Việt Nam.

Ý: Khi mình mới gặp anh Tân thì đã có VSSG rồi, lúc đó tuy không phải là người làm về thời trang, nhưng mình đã thấy những cái quyết định của anh Tân đưa ra luôn hướng về Việt Nam. Và khi ra những món đầu tiên cho Soulvenir, nó giống như là ‘oh mình đã làm được rồi’, cảm giác đó rất đúng với những gì anh Tân hướng đến.

Những người mặc đồ của Soulvenir, hai bạn sẽ diễn tả họ thế nào?

Ý: Lúc cả hai còn ở bên Mỹ thì cái chi phí để mua một món đồ và ship về Việt Nam rất là cao, nhưng vẫn có nhiều bạn vẫn bất chấp mua đồ Soulvenir. Có một bạn khách quen, lúc làm pop-up đầu tiên ở Việt Nam, bạn tham gia tình nguyện và nghe bạn ấy nói chuyện với khách, mình tưởng đó là founder của brand luôn tại bạn rất là hiểu rõ về cái tầm nhìn và cách làm quần áo của Soulvenir. Mấy bạn rất thích và ủng hộ brand, lúc mà gặp được mình rất vui. Còn khách ở bên Mỹ đa số là người Mỹ gốc Việt và châu Á. Mấy bạn Việt Nam ở bên Mỹ sẽ không biết những câu chuyện ở Việt Nam nhiều, như thơ Xuân Quỳnh đi, mấy bạn sẽ được giới thiệu qua Soulvenir.

Tân Nguyễn: Nếu mà gom những người mua đồ Soulvenir vào một cụm từ, thì đó là những người thích tìm tòi học hỏi - có thể là người Mỹ gốc Việt, Mỹ gốc Phi, người Hoa gốc Việt, người Việt, … nhưng đa số đều muốn tìm tòi học hỏi về văn hoá Việt Nam.

Trước đây Tân Nguyễn cũng đã lập ra VSSG (Vietnamese Street Style Group), một cộng đồng về thời trang dành cho người Việt trên khắp thế giới. Dường như Soulvenir có cảm giác “humble" đối ngược hẳn so với VSSG, bạn có thể chia sẻ đôi chút về ý kiến này?

Tân Nguyễn: Thật ra, khi nhìn lại lúc VSSG mới bắt đầu thì cũng khá là humble, chỉ là tạo một cộng đồng nói về thời trang cho bạn bè người Việt. Vô tình là cái thời trang đó nó lại là streetwear và high-end… nhưng cái mục đích chung cũng là để cho người Việt chia sẻ những cái có trên thế giới. Khi mà làm Soulvenir, mình cũng sử dụng chính những suy nghĩ đó. Đúng là cộng đồng thời trang hơi ngược lại với chữ “humble”, nên khi làm Soulvenir mình muốn nó không nhiễm những cái tính xấu mà cá nhân mình thấy ở thế giới thời trang. Mình nhận biết những điều đó để cố gắng không làm vậy cho Soulvenir.

Ý: Soulvenir không phải là brand thời trang. Mình muốn truyền tải thông điệp vào nhiều phương tiện khác nhau, và trong đó có thời trang là thứ người ta dùng hằng ngày và có thể lan truyền được cái mình muốn nói nhanh nhất.

Tân Nguyễn và Ý có thể chia sẻ về trải nghiệm khi là một couple làm cùng nhau trong công việc?

Ý: Mình cũng biết nhiều couple làm chung ngành. Mình luôn đến hỏi mọi người làm việc với nhau như thế nào, đa số đều làm việc hợp với nhau. Tân và Ý thì tính cách giống nhau quá, đôi khi sẽ bị xung đột đẩy nhau ra. Nhưng mà cách thực thi công việc lại khác nhau hoàn toàn, anh Tân là minimalist, còn mình là maximalist. Mình luôn muốn những thứ “out of this world", nhưng mình cũng học được rất nhiều từ sự minimal của anh Tân.

Tân Nguyễn: Soulvenir sẽ không phải Soulvenir nếu không có Ý. Nếu Chapter 1 nếu không có Ý thì một hai cái sample đầu tiên mình đã muốn ra cho mọi người. Bởi mình muốn càng đơn giản càng hiệu quả nhất, nhưng cái đó phải cộng với Ý, phải cộng với sự tỉ mỉ để ra được một cái design thật là đẹp. Hai cái phải cân bằng với nhau thì mới ra được cái sản phẩm hoàn hảo.

Ý: Cả hai dành thời gian với nhau rất là nhiều, đi đâu cũng đi chung hết, lúc nào cũng nói chuyện với nhau. Nên nó sẽ không còn là cái công việc riêng hay đời sống cá nhân riêng. Phần lớn thời gian làm việc, nó không có cảm giác là làm việc.

Tụi mình nói nhiều về philosophy với suy nghĩ về vấn đề rất nhiều. Tại vì khi thực hiện, mình chỉ cần ngồi xuống và làm thôi, nhưng cách suy nghĩ và tiếp cận cái dự án đó sẽ mất nhiều thời gian suy xét hơn, nên cả hai nói chuyện với nhau về nhiều vấn đề cả ngày. Đó là cách Tân và Ý làm việc với nhau. Mấy cái về công việc, thì nó sẽ hàm chứa nhiều life philosophy của hai người trong đó, thì mỗi lần nói chuyện với nhau nó sẽ giống là đang làm việc nhưng cũng không hẳn vậy.

Tân Nguyễn: Cả hai dành nhiều thời gian để suy nghĩ, định hướng các thông điệp đưa ra cho người ta thế nào, cách người khác đón nhận suy nghĩ đó như thế nào. Đôi khi cái design chỉ cần 15 phút để làm, nhưng mất cả quãng đời để suy nghĩ.

Ý: Mình với anh Tân không phải là một cặp hoàn hảo. Mình nghĩ là ai cũng vậy thôi nhưng mà có những cặp người ta rất là hợp nhau. Tính cách của cả hai giống nhau, mình đẩy nhau ra xa rất nhiều và mình cũng đã bỏ rất nhiều công sức để giữ được mối quan hệ này. Thì đồng ý là phải vui thì mới yêu nhau, nhưng mà để ở với nhau và có con nữa rất là khó. Mình càng phải thay đổi bản thân nhiều hơn, để đảm bảo rằng thế hệ tiếp theo sẽ tốt hơn.

Biển và Mây, hai bé sinh ra tại Mỹ. Thường thì các bạn sống ở nước ngoài khi lớn lên thường sẽ có cho mình một hành trình tìm về quê hương. Tân và Ý sẽ chuẩn bị gì cho hành trình này của hai con sau này?

Ý: Mình nghĩ về điều này rất nhiều. Mình có nhiều bạn Vietnamese American thì mấy bạn rất lạc lối trong cái danh tính của mình. Không có đủ Vietnamese để làm người Việt và không đủ American để làm người Mỹ.

Tân Nguyễn: Theo mình nghĩ mọi người đều sẽ gán ghép mình vào một cái gì đó ví dụ như đứa nào ở Mỹ không thích sẽ nói là “oh mày không phải là Mỹ”, hay đứa nào ở Việt Nam không thích thì sẽ nói là “oh mày không phải là Việt Nam”. Lúc nào cũng có một cái định kiến về mình hoặc không thích mình về một cái gì đó, nên mình nghĩ là mặc kệ mọi người nghĩ gì”, mình chỉ là mình thôi. Giống như mình đẻ trên mặt trăng mà mình là người Việt thì nói mình là người Việt thôi, chứ đâu phải người mặt trăng.

Đa số các bạn người Mỹ gốc Việt hay có cái khủng hoảng danh tính bởi về đây người ta là Việt Kiều, ra đường những người Việt Nam khác sẽ có một cái khoảng cách với họ. Điều đó vô tình làm cho những người Mỹ gốc Việt cảm thấy không thuộc về cộng đồng Việt Nam. Nhưng mà mình hãy kệ thôi.

Ý: Mình đâu có định nghĩa được đâu, thế nào mới là người Việt? Mình ở đây 10 năm nữa thì vẫn nói mình là người Nha Trang, vì mình tự hào về điều đó. Mình mong Biển và Mây sau này lớn lên, có thể sẽ bối rối đôi chút, nhưng vẫn tự hào mình là người Việt.

Tân Nguyễn: Làm Soulvenir tại vì mình muốn chia sẻ nguồn thông tin từ hai phía, không phải chỉ ở Việt Nam mới là người Việt Nam, không phải Sài Gòn thì phải Sài Gòn xưa mới đẹp. Lúc nào cũng có cái hay, nơi nào cũng có cái đẹp, người Việt Nam ở nước ngoài cũng hay cũng có cộng đồng Việt Nam. Đó là cái message mình muốn truyền tải qua Soulvenir, ai cũng có thể học hỏi tìm tòi về văn hoá Việt Nam hết.

Quay trở lại với Soulvenir, tại sao lựa chọn cái câu Lao Động là Vinh Quang?

Tân Nguyễn: Khi mình mang Soulvenir về Việt Nam, làm một cái brand tôn vinh Việt Nam, dành cho người Việt, thì mình muốn khám phá cái gì mà người Việt có thể hiểu được và bạn bè quốc tế nhìn vào cũng phải hợp lý. Thì mình lấy hình ảnh của người lao động trên đường phố Sài Gòn, tại vì mình thấy họ ra đường mặc đồ layer đủ thứ, những người đi làm ngoài đường họ phải như vậy bởi môi trường, mưa gió, nắng nôi,... Vậy nên mới dùng hình ảnh con người lao động trên đường phố Sài Gòn cộng với dòng chữ “Lao động là vinh quang". Cái vinh quang ở đây là khi mình làm cái thứ mình thích, mình đã bỏ rất nhiều công sức, thời gian luyện tập để rồi được tận hưởng cái thành quả đó.

Thời chiến tranh, câu này cũng được dùng để cổ động tinh thần nhân dân cả nước tăng gia sản xuất. Thì giờ mình mang cái câu đó lại nhưng thay đổi lại ý nghĩa cho phù hợp để những lứa trẻ có thể hiểu được và bạn bè quốc tế đón nhận.

Bạn có suy nghĩ gì về giới trẻ và cộng đồng ở Việt Nam? Dự định sắp tới của bạn là gì, nếu được hay chia sẻ cho độc giả của V2X nhé!

Tân Nguyễn: Các bạn rất nhiệt huyết, mỗi lần kêu gọi volunteer thì quá chừng bạn vào nhắn luôn. Giới trẻ đây hăng hái đóng góp vào cộng đồng, các tinh thần rất là hay, chưa biết làm thế nào nhưng cái tinh thần đã đáng được đánh giá cao.

Mình cũng đang ấp ủ dự án tên là “nay mai", nó sẽ bao gồm VSSG, Soulvenir và các dự án khác của cả hai. Mình muốn làm một không gian để có thể cộng tác với các bạn trẻ và các brand mà Tân và Ý tin tưởng, mong muốn hỗ trợ họ vươn ra thế giới.

-

Photo by LAM DAM

Đọc bài viết bằng tiếng Anh - link

Explore More