Xuân Lộc hay @oddpattern là một cậu bạn đầy thú vị với niềm đam mê thời trang lưu trữ (archive fashion), và đồng thời là quán quân cuộc thi viết về thời trang Doseen do Trí Minh Lê phát động. Biết đến Xuân Lộc qua nhóm nhạc Mona Evie, V2X bất ngờ khi khám phá được bộ sưu tập archive fashion hơn 450 món của bạn và cộng sự, và thực sự ngạc nhiên khi biết rằng Lộc thường dùng những món đồ sưu tầm đó đi hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ khác trong cộng đồng.
Mới đây V2X đã có dịp gặp mặt Xuân Lộc tại Sài Gòn, cùng bạn khám phá chợ vải Soái Kình Lâm, tìm hiểu cặn kẽ thêm về góc nhìn và niềm đam mê với thời trang của bạn.
Bạn bắt đầu tiếp xúc thời trang như thế nào? Và từ khi nào thì bạn bắt đầu sưu tầm quần áo?
“Chính xác hơn thì mình biết đến quần áo, vì đến giờ mình vẫn chưa hiểu 100% về thời trang. Mình biết và bắt đầu tiếp xúc với văn hoá này nhờ vào Shayne Oliver và Hood By Air cùng với KTZ và Givenchy. Năm đó 15 tuổi, mình thường xuyên truy cập Farfetch và Antonioli để theo dõi các item mới và bộ sưu tập. Đến tận năm 2019, mình mới có thể mua được những món đồ đầu tiên, mà bản thân vẫn còn nhớ: một chiếc áo phông Wales Bonner, quần cargo Dolce Gabbana và áo da Alexander Wang”
Lộc có nhớ hồi 15 tuổi lý do nào khiến bạn chọn truy cập Farfetch và tìm hiểu về quần áo thay vì một sở thích khác không? Niềm đam mê của bạn với quần áo nó đã hình thành và lớn lên như thế nào?
“Cũng khá giống với mọi người vào thời điểm đó, phong trào sneaker có ảnh hưởng rất lớn tới mình. Với bản thân mình, có lẽ Raf Simons Ozweego x Adidas và Bunny Boots của Raf Simons là hai model đưa mình đến với sự tìm hiểu sâu hơn về các thương hiệu thời trang. Trước đây mình luôn nghĩ thời trang là một thứ gì đó xa xỉ, những sàn diễn haute couture trên nền nhạc deep house thì Hood By Air, Raf Simons và KTZ cùng Givenchy đã thay đổi tất cả. Đó là cả một văn hoá rộng lớn và thực sự nhấn mạnh vào sự thể hiện bản thân mình. Rồi kể từ đó, ngoài những giờ đi học về mình sẽ dành ít nhất 2 tiếng chỉ để lướt các runway looks, lookbook của những thương hiệu thời trang Nam giới. Đến bây giờ có lẽ mọi thứ vẫn không thay đổi quá nhiều.”
“No Mundane” ở phần giới thiệu IG (oodpattern) của bạn là gì?
“No Mundane (Vô Trần Tục) là một nhóm collector, bao gồm 2 người: Driscol (1/2) và Odd Pattern (2/2). Ý tưởng ban đầu là tìm kiếm những món đồ hiệu mà bạn chưa bao giờ từng thấy, bất kể nó thuộc phong cách gì. Cũng vì lí do này nên trong collection của No Mundane sẽ bao phủ hầu như toàn bộ các mảng thời trang mọi người có thể nghĩ đến, và rất nhiều món trong này đúng với cái tên Tiếng Việt: “Vô Trần Tục”, những món đồ độc nhất vô nhị, nếu không nói là duy nhất trên thế giới đều ở Việt Nam.
Có thể kể qua một số thương hiệu và thời kì bọn mình đang sưu tầm:
– Thời trang đường phố (Supreme, Stussy, Noah, Palace,…)
– Thời Trang Lưu Trữ (Comme Des Garcons, Issey Miyake, Raf Simons,…)
– Haute Couture thập niên 1950-1980 (Christian Lacroix, Guy Laroche, Christian Dior, YSL)
– Thời trang Nhật Bản: Y2K, Harajuku,.. (Doarat, Undercover, Bape, 20471120, Beauty:Beast,…”
Lộc giới thiệu thêm về Driscol được không?
“Bọn mình là bạn học cùng cấp 3. Driscol là một người hướng nội nhưng có tài năng hội họa, đặc biệt với phong cách hoạt hình và từ chối sử dụng mạng xã hội. Bọn mình đã thành lập No Mundane sau một thời gian mua các món đồ về cùng nhau để tạo nên một bộ sưu tập, có lẽ điều quan trọng nhất đó là sự tin tưởng mà cả hai dành cho nhau từ trước đến giờ.”
Để giải thích về Archive Fashion cho một người mới, Lộc sẽ nói như thế nào? Có lời khuyên hay gợi ý nào cho họ không?
“Archive Fashion là sự sưu tầm các món đồ nổi bật đến từ các thương hiệu thời trang (đặc biệt trong ngữ cảnh thời trang nam giới). Thông thường những món đồ đó sẽ có tuổi đời cao hoặc là một thiết kế đặc biệt, đôi lúc là bao hàm những ý niệm của nó.
Mình nghĩ với lời khuyên cho những người muốn bắt đầu tham gia vào quá trình tìm hiểu sưu tập và vận dụng, sẽ có hai điều quan trọng nhất:
- Tiền chưa bao giờ là vấn đề với thời trang lưu trữ theo trải nghiệm của mình. Thời trang lưu trữ là sự tìm hiểu và đào sâu, mang nặng tính cộng đồng và giá trị văn hóa. Trên thực tế, trước khi Raf Simons hay Yohji Yamamoto có giá như hiện nay, đó từng là những chiếc sơ mi Rokumeikan Thu Đông 1995 (Yohji Yamamoto) giá 2.000.000 VND, hay một chiếc Riot Bomber của Raf Simons giá 87$ được bán trên Yoox vào năm 2002. Thời trang lưu trữ là sự tìm kiếm và tìm hiểu.
- Start small.”
Để một món đồ được xem là archive, thì món đồ đó sẽ hội tụ những tiêu chí gì? Và bạn sẽ định giá món đồ đó như thế nào?
“Có ba tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá một món đồ có phải lưu trữ hay không, và mỗi nhà sưu tập sẽ đặt một tiêu chí lên cao hơn. Đối với mình, đó là ba tiêu chí lần lượt:
- Thiết kế (đặc biệt là những thiết kế maximalism, avant-garde)
- Thương hiệu
- Kĩ thuật, chất liệu
Việc định giá những món đồ lưu trữ và một việc cực kì trừu tượng và phần nhiều phụ thuộc vào sự hiểu biết của mỗi người, cũng như nhà sưu tập. Nhưng với những món đồ và các bộ sưu tập mang tính biểu tượng. Sẽ có năm tiêu chí tiên quyết:
- Bộ sưu tập của món đồ
- Loại quần áo ( Áo khoác, coat sẽ có giá cao hơn áo phông )
- Thiết kế.“
Việc mua bán đồ archive thường diễn ra qua internet, làm sao để chắc rằng mình không mua phải đồ fake?
“Có một ưu điểm của những món đồ lưu trữ, đó là 99% các món đồ lưu trữ không có sản phẩm đạo nhái. Nên việc mình sở hữu những món đồ của Comme Des Garcons Homme Plus, Issey Miyake hay Raf Simons cũng tương đồng với sự đảm bảo gần như tuyệt đối với từng món đồ.
Sở dĩ, việc đảm bảo này không thể tuyệt đối 100% là vì vẫn có một số món đồ mang tính biểu tượng trong phân khúc thời trang lưu trữ vẫn tồn tại sản phẩm đạo nhái, nếu không nói đã từng có một số người trong cộng đồng chi trả đến 9000$ cho một chiếc Issey Miyake Cargo Bomber fake (Thu Đông 1996)”
Có kỉ niệm li kì nào khi bạn sưu tầm quần áo không?
“Li kì với kỉ niệm săn đồ thì có lẽ sẽ là đáng nhớ. Thực tế thì li kì có thể chưa chắc, nhưng tiếc đứt ruột thì nhiều. Bởi vì việc tìm kiếm dù là ở các cửa hàng hay trực tuyến cũng mang tính cạnh tranh cao. Lần đáng nhớ nhất có lẽ sẽ là lần mua lỡ 2 món đồ của Raf Simons, chiếc Nebraska sweatshirt màu đỏ giá 2.000.000 VND và chiếc Poltergeist Parka của Raf Simons giá 2.800.000 VND. Tính ra hai món đồ này cộng lại bây giờ sẽ có giá tổng cộng là 450.000.000 VND…”
Còn outfits Lộc chọn cho photoshoot này, bạn có thể giới thiệu về các món đồ đó được không?
“Cũng không quá phức tạp. Lúc đó trong đầu mình nghĩ hai màu sắc khác nhau: Cơ Bản và Phức Tạp. Outfit đầu tiên gồm có một chiếc áo khoác của Junya Watanabe MAN x Carhartt, Xuân Hè 2018, áo cổ lọ của The Row và quần jeans Levi (Cơ Bản, màu trắng). Outfit sau đó tất cả đều từ Comme Des Garcons
Homme Plus từ 3 mùa khác nhau:
– Mũ từ Thu Đông 2001 “Looking At A Different World”
– Áo khoác từ Xuân Hè 2021 “Metal Outlaw”
– Áo vest từ Xuân Hè 2018 “Disco”
Chiếc váy xếp li còn lại của Balenciaga dưới thời Demna Gvasalia, Thu Đông 2016. Trong cả hai outfit đều có sự góp mặt của Vans Checkerboard, mình rất thích đi những đôi giày trượt, dù cả đời chưa bao giờ trượt ván.”
Theo Lộc thì điều gì khiến cho một người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn gấp chục lần một món đồ mới, để mua một món đồ lưu trữ?
“Tính độc bản.
Bạn có thể bỏ 13000$ mua một chiếc Rolls Royce Silver Ghost trong năm 1920. Nhưng sẽ không bao giờ có chuyện mức giá đấy giữ nguyên sau một thế kỉ. Những món đồ quần áo lưu trữ cũng vậy, một chiếc giày vây cá của Comme Des Garcons mùa Thu Đông năm 1982 chỉ có retail 20000 yên (~190$), nhưng giờ giá của chúng có thể gấp 20 lần, hoặc ví dụ đơn giản hơn là Riot bomber của Raf Simons. Những món đồ này cũng tương tự các tác phẩm nghệ thuật: khi người sáng tạo ra nó đặt đủ ý niệm, trải qua dấu vết thời gian và gặp một yếu tố tiên quyết là cộng đồng thì việc giá trị của chúng cao hơn những món đồ bình thường là hiển nhiên.”
Khi Lộc mặc những outfit maximalism ra đường, sẽ có người hiếu kì nhìn vào và bình luận, cảm giác hay phản ứng của bạn trong lúc đó sẽ như thế nào?
“Mình vẫn nhớ câu bình luận của @nyjahphong trong bức ảnh của mình và anh @yellowthink:
“Shook These Streets” (Gây náo loạn các con phố đi)
Việc này có lẽ sẽ khá phổ biến nếu như bạn diện một trang phục maximalism ở Việt Nam. Nhưng mình nghĩ điều này thực chất chỉ có lợi, đến cuối cùng mọi thứ bạn mặc vẫn chỉ là quần áo, thứ bạn nhận về khi mặc những trang phục dị biệt so với mọi người là đàm tiếu, có khen có chê nhưng chẳng phải khi mọi người thấy một thứ gì mới mẻ khác với quy chuẩn, họ thường sẽ bàn luận trước hay sao? Nhưng chọn lọc tự nhiên luôn vận hành theo cách chuẩn xác nhất, bạn chỉ cần đảm bảo rằng những thứ đó đúng với thuần phong mỹ tục – cốt lõi của văn hoá và cùng với đó là cái tôi đi kèm sự thoải mái của bản thân được đẩy lên cao nhất trong những trang phục đó, thì những sự bàn tán đó theo thời gian sẽ thành đổi mới trong suy nghĩ”
“Ê thằng này trông thế kia mà men lỳ lắm đấy”
Bên cạnh đó, bạn có thể chia sẻ về việc bạn thường hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ khác trong cộng đồng bằng các món đồ mà mình sưu tầm không? Bạn kỳ vọng điều gì ở cộng đồng sáng tạo đang lớn lên không ngừng tại Việt Nam?
“Mình hiểu và ý thức được văn hoá cộng đồng
Mỗi nền văn hoá được đúc kết từ hàng ngàn năm và đều mang những bản sắc riêng, rồi dần dần được pha trộn cùng các yếu tố ngoại lại, tạo nên sự đa dạng.
Ở Việt Nam, các văn hoá như hip-hop, rock n roll, punk hay các subcultural khác khi du nhập cũng mang theo các phong cách ăn mặc và tư duy riêng. Nhưng có một sự thật như mình hay nói, muốn gây ấn tượng với người Mỹ, hãy nói cho họ biết về Thuốc Lào. Ăn mặc cũng vậy, mình muốn những gì của Việt Nam có sẽ không thua kém ai, những thứ mà phương Tây thèm muốn: Comme Des Garcons, Issey Miyake, Thesoloist,… và kèm theo đó là những phong cách cực nổi bật, không kém phần trau chuốt mà vẫn sẽ khiến bất kì người phương Tây nào khi nhìn vào thấy được màu sắc trong phong cách ăn mặc của những người khoác các món đồ đó lên.
Muốn làm được, phải gắn với cộng đồng.”
Những ai trong cộng đồng archive fashion Việt Nam mà Lộc có thể giới thiệu thêm cho V2X? Góc nhìn của Lộc về sân chơi này như thế nào?
“Ở cộng đồng thời trang lưu trữ Việt Nam (bao gồm tất cả những người Việt Nam có đóng góp cho cộng đồng), mình dành sự tôn trọng lớn nhất cho 6 người:
- Anh Tony Long Nguyen (findhid.n, một trong những người đi đầu)
- Anh Kha Nguyen (Hidden Archive, người đẩy mạnh phong trào ngay tại Việt Nam)
- Nguyen Dang (Shinesium, người sưu tầm đầu tiên mình biết tới ở Việt Nam)
- ScreamGaze a.k.a Minh “Kevin” Trần (Peestation, người Việt Nam thú vị nhất)
- Khang “Dylan” Nguyen (Con.tumacy, người Việt Nam có hiểu biết nhất về văn hóa Y2k/Harajuku Nhật Bản)
- Bản thân
Hiện nay, thời trang lưu trữ ở Việt Nam vẫn đang dừng lại ở mức chập chững, một cộng đồng và văn hóa mới. Thị giác luôn là một nhu cầu cơ bản của con người, nó không chỉ dừng lại ở những hình ảnh mang tính nghệ thuật cao mà còn tồn tại trực tiếp giữa sự tương tác hình ảnh hàng ngày. Quần áo là một sự tương tác, và mỗi món đồ đặc biệt chính là một loại cảm giác, nên khi cuộc sống con người càng phong phú cũng sẽ đi liền với sự phát triển của thời trang lưu trữ.
Đã 3 năm kể từ sự kiện cuối cùng của archive fashion được diễn ra (Shinesium). Sắp tới No Mundane wardrobe, cùng với trang báo về thời trang This is /not/ a fashion page và cửa hàng Raw Possesions cũng sẽ tổ chức pop-up tại hai miền Nam Bắc.
(Shoutout to Tín Nguyễn và Nguyễn Công Triết)”
Bên cạnh đó, góc nhìn của Lộc về thời trang Việt Nam hiện nay ra sao?
“Với bản thân mình, tất cả mọi thứ thuộc về thời trang của Việt Nam đều trong trạng thái nước rút để theo kịp các văn hóa khác. Các thương hiệu ở Việt Nam đã có sự đa dạng về cả mẫu mã và giá thành. Nhưng mình thường nói về sự nổi bật, và mình tin rằng đó không phải thứ chúng ta có thể chạy đua mà nên là sự kết tinh từ những điều thuộc về riêng mình, trong ngữ cảnh thời trang Việt Nam, có lẽ điều chúng ta nên quan tâm hơn đó là sự kết hợp những văn hóa Việt với các yếu tố phương Tây để tạo sự nổi bật.”
Và câu hỏi cuối cùng, định hướng tiếp theo của Lộc và No Mundane là gì? Nếu được, hãy bật mí cho V2X nhé!
“Dân gian có câu: “Nói trước bước không qua”
Nhưng với những gì đã và đang diễn ra với tốc độ khá ổn định ở thời trang Việt Nam, cũng như những bước đi không ngừng nghỉ của No Mundane, cùng với mình và DRISCOL thì mọi thứ sẽ luôn là một điểm cộng cho cộng đồng nói riêng và văn hoá nói chung.
Cứ đợi đê!”
Bài viết được thực hiện bởi Thắng Dương.
Photos : Lâm Nguy @idoomythang